Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là điều không quá xa lạ nếu bạn là một người chủ lao động giỏi. Chúng ta không thể từ chối những lợi ích cơ bản mà công tác huấn luyện an toàn có thể đem lại như:
- Nhận biết được các nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn
- Thiết lập những biện pháp phòng ngừa tai nạn trong quy trình sản xuất, vận hành thiết bị
- Giảm thiểu chi phí cho các sự cố về con người lẫn máy móc
- Giúp tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm đầu cuối.
- Tuân thủ đúng quy định, tránh rủi ro về pháp luật
Vì bạn hiểu được những lợi ích đó nên việc tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động là một trong những việc được bạn quan tâm rất nhiều. Như bạn cũng biết, trước đây, công tác huấn luyện được tuân thủ theo thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH, nhưng kể từ ngày 15/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động. Nghị định 44 này có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 với tổng số 6 chương, 47 điều, và 04 phụ lục.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về sự thay đổi này, chúng ta hãy tìm hiểu xem nghị định 44 này có điều gì mới nhé.
Đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn lao động:
Theo nghị định 44, đối tượng tham dự khóa huấn luyện được chia thành 6 nhóm như sau:
- Nhóm 1: Người quản lý phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)
- Nhóm 2: Người làm công tác an toàn vệ sinh lao động
- Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ
- Nhóm 4: Người lao động không thuộc nhóm 1, 2,3 và 5 bao gồm cả người học nghề và người thử việc
- Nhóm 5: Người làm công tác y tế
- Nhóm 6: An toàn vệ sinh viên
Nội dung huấn luyện an toàn lao động:
Nội dung huấn luyện an toàn lao động trong nghị định 44 được pháp luật quy định chặt chẽ và cụ thể hơn rất nhiều so với trước đây. Về cơ bản thì nhóm 1 và 3 không có thay đổi nhiều, trong khi các nhóm còn lại thì có những sự thay đổi như sau:
- Đối với nhóm 2: Đối tượng thuộc nhóm này không cần phải học những kiến thức chung như nhóm 1 nữa. Thay vào đó, họ sẽ được đào tạo về Hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; những nghiệp vụ công tác ATVSLĐ; và những nội dung huấn luyện chuyên ngành.
- Đối với nhóm 4: Ngoài những kiến thức cơ bản về ATVSLĐ thì nhóm này phải được huấn luyện trực tiếp tại nơi làm việc về: Quy trình làm việc và yêu cầu cụ thể về ATVSLĐ tại nơi làm việc.
- Đối với nhóm 5: Học viên cũng sẽ được đào tạo về Hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; những nghiệp vụ công tác ATVSLĐ.Thêm vào đó, họ còn phải được huấn luyện cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.
- Đối với nhóm 6: Nội dung huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của nhóm 6 giống như nhóm 4. Ngoài ra, học viên còn được huấn luyện kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn vệ sinh viên.
Thời gian huấn luyện an toàn lao động:
Đối với nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 4, thời gian huấn luyện không có thay đổi so với thông tư 27.
- Nhóm 1 và nhóm 4 là 2 ngày (16 tiếng)
- Nhóm 2 là 6 ngày (48 tiếng)
- Trong đó, thời gian huấn luyện nhóm 3 được giảm 1 ngày so với trước đây, chỉ còn 3 ngày (24 tiếng).
- Thời gian huấn luyện của nhóm 5 là dài nhất – 7 ngày (56 tiếng).
- Trong khi, thời gian huấn luyện của nhóm 6 chỉ có 0,5 ngày (4 tiếng)